Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh máy móc, thiết bị là một trong những yếu tố đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng các thiết bị máy móc mà không qua kiểm tra,, kiểm định sẽ tiềm tàng nhiều nguy cơ mất an toàn, dẫn đến tai nạn lao động, tổn thất về người và tài sản. An toàn khi vận hành máy móc thiết bị là rất quan trọng và cần thiết. Để đảm bảo các thiết bị được kiểm tra, kiểm định và đảm bảo an toàn cho người vận hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các quy định cho các loại máy móc, thiết bị có nguy cơ gây mất an toàn cao. Chính vì thế, các doanh nghiệp, cá nhân sở hữu những máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải thực hiện kiểm định máy móc theo quy định.
Contents
Kiểm định máy móc là gì?
Kiểm định kĩ thuật an toàn máy móc là hoạt động bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng các thiết bị nằm trong danh mục có yêu cầu kiểm định an toàn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Công thương. Những thiết bị này được quy định cụ thể tại Thông tư 53/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Đối với những thiết bị có mức rủi ro cao, khi gặp sự cố sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng con người, tài sản của doanh nghiệp và chất lượng môi trường cần được kiểm định an toàn trước khi đưa vào sử dụng nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người dùng. Và định kì phải được kiểm định an toàn, tùy thuộc vào từng loại thiết bị mà thời gian quy định kiểm định định kì sẽ khác nhau. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ về kiểm định an toàn máy móc thiết bị.
Vì sao cần phải kiểm định máy móc thiết bị?
– Tuân thủ quy định pháp luật, tránh bị xử phạt khi có thanh tra kiểm tra.
– Với thiết bị ngoài danh mục mà pháp luật quy định phải kiểm định an toàn thì việc kiểm định nhằm đáp ứng yêu cầu an toàn của đơn vị sử dụng mong muốn.
– Đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình vận hành, sử dụng máy móc này.
– Tạo niềm tin về môi trường làm việc an toàn đối với người lao động khi ứng tuyển và làm việc tại công ty. Tạo niềm tin với đối tác, khách hàng.
– Tăng năng suất làm việc và chất lượng sản phẩm.
– Giúp phát hiện những vấn đề hư hỏng của thiết bị, đánh giá tình trạng máy móc từ đó có biện pháp khắc phục, sửa chữa và có kế hoạch bảo dưỡng thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng thiết bị.
Danh sách thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và bắt buộc kiểm định.
Theo Thông tư 52/2016/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm;
– Nồi hơi các loại có áp suất làm việc định mức của nồi hơi trên 0.7 bar; nôi đun nước nóng có nhiệt độ môi chất trên 1150C.
– Nồi gia nhiệt dầu.
– Hệ thống cung cấp, hệ thống điều chế, hệ thống nạp khí nén, khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí hòa tan.
– Cần trục các loại: cần trục ô tô, cần trục bánh hơi, cần trục bánh xích, cần trục tháp, cần trục đường sắt, cần trục chân đế.
– Cổng trục các loại: cổng trục, bán công trục.
– Cầu trục các loại: cầu trục lăn, cầu trục treo.
– Trục tháp chở hàng: trục tháp chở người, trục tháp trong các máy thi công, trục tải giếng nghiêng, trục tải giếng đứng.
– Pa lăng điện, pa lăng kéo tay có tải trọng nâng từ 1,000 kg trở lên.
– Xe điện chạy trên ray.
– Tời điện dùng để nâng tải, kéo tải theo phương nghiêng; bàn nâng; sàn nâng để nâng người làm việc trên cao; tời nâng người làm việc trên cao.
– Tời tay có tải trọng nâng từ 1,000 kg trở lên.
– Xe nâng hàng dùng động cơ có tải trọng từ 1,000 kg trở lên.
– Xe nâng người: xe nâng người tự hành, xe nâng người sử dụng cơ cấu truyền động thủy lực, xích truyền động bằng tay nâng người lên cao 2m.
– Máy vận thăng nâng hàng; máy vận thăng nâng hàng kèm người; máy vận thăng nâng người; máy vận thăng sử dụng trong thi công xây dựng.
– Thang máy các loại.
– Thang cuốn và băng tải người.
– Máy phát điện phòng nổ.
– Máy nổ mìn điện.
– Thiết bị điều khiển phòng nổ.
– Máy khoan, máy ép cọc, đóng cọc chuyên dùng có hệ thống tời nâng.
– Máy bơm bê tông.
– Máy thi công công trình hầm, ngầm.
Hình thức kiểm định máy móc
– Kiểm định lần đầu: thực hiện trước khi máy móc, thiết bị được đưa vào hoạt động, nhằm thẩm định xem chúng có đủ điều kiện làm việc an toàn hay không.
– Kiểm định định kì: sau khi kiểm định lần đầu hết hiệu lực thì máy móc cần được tiếp tục kiểm định định kì, tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của từng máy móc mà thời gian giữa 2 lần kiểm định định kì có thể dài hoặc ngắn.
– Kiểm định bất thường: sau khi xảy ra sự cố tai nạn và máy móc được khắc phục sửa chữa, trước khi đưa máy móc hoạt động trở lại thì cần phải tiến hành kiểm định; hoặc sau khi thay đổi vị trí lắp đặt đối với một số máy đặc trưng là vật dụng nâng hạ như cần trục, vận thăng, sàn nâng; hoặc sau khi tiến hành tu sửa lớn đối với máy móc; hoặc theo yêu cầu của thanh tra Sở lao động khi đi rà soát đơn vị; hoặc theo yêu cầu của công ty sử dụng máy móc khi phát hiện một số lỗi có thể gây mất an toàn lao động.
Quy trình thực hiện kiểm định
Bước 1: doanh nghiệp sở hữu máy móc cần kiểm định liên hệ trực tiếp với những đơn vị kiểm định an toàn thiết bị để được tư vấn và hướng dẫn kiểm định.
Bước 2: Hai bên sẽ kí hợp đồng và thống nhất chương trình kiểm định. Đơn vị kiểm định an toàn sẽ thông báo việc đồng ý thực hiện hoặc từ chối cung cấp dịch vụ bằng công văn đến doanh nghiệp có nhu cầu.
Bước 3: thực hiện kiểm định kĩ thuật an toàn tại cơ sở
– Kiểm tra hồ sơ, lí lịch thiết bị.
– Kiểm tra bên ngoài.
– Kiểm tra kĩ thuật bên trong – thử không tải và có tải với các thiết bị nâng.
– Tiến hành thử tải – phương pháp thử.
Các bước kiểm định phải được tiến hành lần lượt. Kết quả của bước trước phải đạt yêu cầu mới tiếp tục thực hiện bước tiếp theo.
Bước 4: Sau khi quá trình hoàn thành, nếu kết quả kiểm định đạt yêu cầu, kiểm định viên sẽ ghi kết quả và biên bản kiểm định với sự chứng kiến của đại diện doanh nghiệp. Sau đó sẽ cấp giấy chứng nhận và thực hiện dán tem kiểm định.
Nếu kết quả không đạt yêu cầu ở bước nào thì quá trình dừng tại đó. Kiểm định viên nêu rõ những thiếu sót, sai sót và không đạt yêu cầu trong biên bản. Đưa ra những kiến nghị khắc phục, sửa chữa phù hợp. Sau khi tiến hành cải tạo, sửa chữa thì đăng ký kiểm định lại, và quy trình thực hiện lại từ bước 1.
Thời hạn kiểm định máy móc
– Theo quy định tất cả máy móc trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định an toàn và định kì kiểm định hoặc kiểm định bất thường khi phát hiện thiết bị có những vấn đề kĩ thuật có khả năng gây mất an toàn.
– Thời hạn kiểm định đình kì mỗi máy là khác nhau, có thể là 3 năm 1 lần, hoặc 2 năm 1 lần, hoặc mỗi năm một lần tuỳ thuộc vào từng loại thiết bị và theo quy định của pháp luật.
– Thời hạn kiểm định định kì sẽ được rút ngắn hơn dựa vào yếu tố sử dụng của thiết bị, tình trạng thực tế tại thời điểm kiểm định.